AI sẽ không thay thế con người nếu chúng ta hành động đúng hướng

AI sẽ không thay thế con người nếu chúng ta hành động đúng hướng - 1

Chúng ta có thể đang đi sai hướng trong việc định hình trí tuệ nhân tạo (Ảnh Forbes).

Theo Giáo sư Sendhil Mullainathan, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), câu trả lời không được định sẵn mà phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn và hành động của chính chúng ta.

Đáng lo ngại hơn, ông cho rằng con người trong việc nghiên cứu phát triển AI có thể đang sai hướng.

“AI là sản phẩm do con người tạo ra và do đó chúng ta có quyền định hình nó. Chúng ta nên tập trung phát triển AI theo hướng tăng cường năng lực con người, chứ không chỉ đơn thuần là tự động hóa công việc”, ông nhấn mạnh.

Sai hướng trong phát triển AI hiện tại

Giáo sư Mullainathan chỉ ra một vấn đề đáng lo ngại trong cách AI đang được phát triển và đánh giá khi các công ty công nghệ thường đo lường sự tiến bộ của các mô hình AI thông qua bài kiểm tra (benchmark) – tập trung vào việc liệu AI có thể thực hiện một nhiệm vụ tốt như hoặc hơn con người hay không.

Cách tiếp cận này vô tình thúc đẩy AI phát triển mạnh mẽ theo hướng tự động hóa.

“Khi các mô hình AI được ca ngợi là tốt hơn, thực chất chúng đang trở nên hiệu quả hơn trong việc thay thế con người, thay vì hỗ trợ con người làm việc tốt lên. Các tiêu chuẩn đánh giá hiện thiếu những thước đo về khả năng AI giúp con người nâng cao hiệu suất hay kỹ năng”, ông chỉ ra. 

Để minh họa cho tiềm năng của AI, Mullainathan đưa ra ví dụ về một nghiên cứu tại các trung tâm hỗ trợ khách hàng, khi một chatbot AI được sử dụng để đưa ra gợi ý cho nhân viên, không chỉ hiệu suất chung tăng lên, mà kỹ năng của nhân viên cũng được cải thiện rõ rệt.

Ngay cả khi chatbot tạm thời không hoạt động hiệu quả, nó vẫn giúp duy trì hiệu suất công việc cao. Điều này cho thấy AI đã đóng vai trò như một “người thầy”, giúp con người học hỏi và phát triển.

Một ví dụ khác là ứng dụng AI trong tìm kiếm việc làm, thay vì tự động chọn công việc, công nghệ này có thể kết hợp khả năng phân tích dữ liệu (đánh giá khả năng thành công dựa trên hồ sơ) với thông tin chỉ con người mới có (sở thích cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, địa điểm mong muốn) để đưa ra gợi ý ứng tuyển tối ưu nhất.

Kết hợp thế mạnh của AI và con người

Điểm mấu chốt là AI vượt trội trong xử lý dữ liệu, nhưng lại thiếu khả năng nắm bắt bối cảnh, trực giác và những yếu tố “ngoài dữ liệu” mà con người sở hữu.

Ngược lại, con người có những giới hạn về nhận thức (thiên kiến, khả năng xử lý thông tin hạn chế) mà AI có thể giúp khắc phục.

Dựa trên những hiểu biết từ kinh tế học hành vi về các “điểm mù” nhận thức, Mullainathan gợi ý AI có thể được thiết kế để bù đắp những điểm yếu này.

Ví dụ, trong sàng lọc hồ sơ, AI có thể cảnh báo nhà tuyển dụng về những ứng viên tiềm năng mà họ có xu hướng bỏ qua do thiên kiến, nhưng lại thường thành công khi được chọn.

Giáo sư Mullainathan liên hệ với nghiên cứu trước đây của mình về “sự khan hiếm” và hình dung về một công cụ AI không chỉ giúp sắp xếp lịch trình (như các ứng dụng hiện có), mà nó còn giúp nâng cao sự tập trung và xử lý công việc. 

Theo đó, bằng cách phân tích lịch sử làm việc, các cuộc họp, hiểu biết về tâm lý học và kết hợp với mục tiêu, trạng thái của người dùng, AI có thể đưa ra lời khuyên về việc nên nhận hay từ chối công việc hoặc cuộc họp nào để tránh quá tải để làm việc hiệu quả hơn.

“Nếu các công ty lựa chọn con đường phát triển cho AI bằng cách ưu tiên tự động hóa dựa trên các benchmark hiện tại, việc đảo ngược xu hướng sẽ rất khó khăn. Con người hoàn toàn có khả năng định hướng AI trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ.

Nhưng điều đó đòi hỏi một sự thay đổi trong tư duy thiết kế, cách đo lường tiến bộ và mục tiêu cuối cùng mà chúng ta muốn AI phục vụ: nâng cao năng lực con người hay thay thế họ. Tương lai việc làm của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào lựa chọn mà các công ty AI đưa ra ngay từ bây giờ”, ông cảnh báo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen − 4 =