Loạt sản phẩm iPhone 16 mới ra mắt của Apple được đánh giá sở hữu kiểu dáng đẹp, mạnh mẽ và sự nâng cấp lớn về camera; tuy nhiên chúng vẫn còn thiếu một thứ vốn quan trọng đó chính là trí tuệ nhân tạo (AI) – Apple Intelligence, đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ các đối thủ.
Trong khi Google và Samsung đã tích hợp AI vào smartphone của họ, Apple lại bị tụt lại phía sau.
Apple liệu đã mất đi ánh hào quang về mặt đổi mới? Những số liệu do nhà phân tích Ming-chi Kuo đưa ra khiến chúng ta phải suy nghĩ, doanh số đặt hàng trước iPhone 16 được cho là có khởi đầu chậm hơn dự kiến.
Đây là một tình huống trái ngược với sự quan tâm thường thấy từ người dùng mỗi khi Apple công bố sản phẩm mới.
Khi châu Âu làm rung chuyển hệ sinh thái Apple
Nhưng AI không phải là thách thức duy nhất mà Apple phải đối mặt.
Tại Lục địa già, công ty đang phải đối mặt với một trở ngại pháp lý lớn khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một quy định được gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA: Digital Market Act) – buộc Apple buộc phải mở cửa hơn nữa hệ sinh thái của mình, đặc biệt là đối với hệ điều hành iOS.
Tình huống này đặt Apple vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, công ty phải tuân thủ các yêu cầu quy định; mặt khác, nhà sản xuất phải tìm cách bảo tồn những gì tạo nên sức mạnh của mình: một hệ sinh thái khép kín và bảo mật cho người dùng.
Vấn đề của Apple Intelligence tại EU rất phức tạp. Apple không mang bộ tính năng đến EU do Đạo luật DMA, nhằm bảo vệ thị trường cạnh tranh và ngăn chặn hành vi độc quyền trong khu vực.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải tuân thủ quy định của DMA bằng cách giới thiệu nhiều tính năng độc quyền dành riêng cho khu vực EU, ví dụ người dùng EU có thể tải ứng dụng từ nguồn thứ ba ngoài App Store, nhưng công ty không thực hiện những thay đổi này đối với phần còn lại của thế giới.
Tuyên bố của Apple về chủ đề này thể hiện sự căng thẳng: “Chúng tôi lo ngại rằng các yêu cầu về khả năng tương tác của DMA sẽ buộc chúng tôi phải thỏa hiệp tính toàn vẹn các sản phẩm của mình”.
Đây là một mối lo ngại có thể hiểu được nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về khả năng thích ứng của Apple với môi trường pháp lý đang thay đổi.
Việc Apple để người dùng trong khối EU có thể tải ứng dụng từ bên thứ ba ngoài App Store là điều đáng sợ đối với nhiều người, do các mối lo ngại an ninh và bảo mật – vốn là điểm mạnh đến từ gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Chờ đợi gì từ Apple
Đối mặt với những thách thức này, Apple thấy mình có nghĩa vụ phải đổi mới cách tiếp cận.
Việc từ bỏ dự án ô tô điện cao cấp đã để lại một khoảng trống trong nguồn sản phẩm mới của công ty hay tai nghe thực tế hỗn hợp Vision Pro, mặc dù ấn tượng về mặt công nghệ nhưng lại gặp khó khăn trong việc đến tay người tiêu dùng do mức giá quá cao.
Không chỉ vậy, tính hữu dụng hàng ngày của thiết bị đeo thực tế ảo này vẫn còn phải được chứng minh.
Tuy nhiên, mọi chuyện không hề u ám đối với công ty Cupertino, gã khổng lồ công nghệ này tiếp tục đầu tư mạnh vào sức khỏe, tích hợp các tính năng mới vào Apple Watch và AirPods. Chiến lược này được cho là có hiệu quả lâu dài.
Một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng của iPhone, ông Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities thậm chí còn dự đoán về một “siêu chu kỳ do AI điều khiển” cho Apple trong năm nay với gần 300 triệu người dùng sẵn sàng nâng cấp lên mô hình mới, tiềm năng tăng trưởng vẫn còn đáng kể.
Câu trả lời trong vài tháng tới
Apple đã cách mạng hóa điện thoại di động, nhưng liệu hãng có thể lặp lại thành tích này trong thời đại AI? Câu trả lời này sẽ định hình không chỉ tương lai của Apple mà còn của toàn bộ ngành công nghệ.
Vài tháng tới sẽ mang tính quyết định đối với Apple bao gồm việc triển khai Apple Intelligence, đàm phán các thách thức pháp lý ở châu Âu và tìm kiếm sự đổi mới lớn tiếp theo.
Nhưng đừng quên rằng chính trong nghịch cảnh, Apple mới có thể tái tạo lại chính mình và khiến cả thế giới ngạc nhiên.
Vẫn còn phải xem liệu Tim Cook và nhóm của ông có thể một lần nữa làm tốt và đưa Apple lên tầm cao mới trong thời đại bị thống trị bởi trí tuệ nhân tạo hay không.