“Bốc hơi” gần 200 triệu đồng tài khoản khi tải ứng dụng lạ về điện thoại

Bốc hơi gần 200 triệu đồng tài khoản khi tải ứng dụng lạ về điện thoại - 1

Người dùng cần cẩn trọng khi tải các ứng dụng làm visa online (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Cơ quan chức năng thông tin, đầu tháng 4, anh Q (SN 2005; trú tại Đan Phượng, Hà Nội) có tìm hiểu việc làm visa Hàn Quốc trên mạng.

Sau đó, một tài khoản Facebook nhắn tin hướng dẫn anh sử dụng điện thoại hệ điều hành Android truy cập đường link tải phần mềm Visa Korean.

Sau khi đăng nhập phần mềm, anh Q phát hiện điện thoại bị treo. Nghi ngờ mình bị lừa, anh kiểm tra tài khoản ngân hàng thì hệ thống báo tài khoản bị khóa. Khi ra ngân hàng tra cứu thì anh phát hiện tài khoản bị rút gần 200 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.

Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cần kiểm tra rõ nguồn gốc ứng dụng

Để kiểm tra một ứng dụng có đáng tin cậy hay không, chuyên gia công nghệ Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) khuyên người dùng cần xem xét 3 yếu tố sau:

– Xem xét nguồn gốc ứng dụng: Kiểm tra xem ứng dụng có được đưa lên chợ ứng dụng chính thống hay không, thời gian đưa lên khi nào, có nhiều đánh giá, phản hồi từ nhiều người dùng trong thời gian dài hay không. Bên cạnh đó, một ứng dụng đáng tin cậy thường xuyên phát hành bản cập nhật bảo mật.

– Xem xét thông tin về nhà sản xuất: Kiểm tra xem nhà sản xuất có uy tín không, có thông tin liên lạc, địa chỉ có rõ ràng. Đã từng phát hành các ứng dụng hữu ích và nhiều người dùng không.

– Xem xét quyền truy cập của ứng dụng: Kiểm tra xem ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào những dữ liệu gì (chẳng hạn như ảnh, danh bạ, vị trí). Đồng thời cần đọc kỹ các điều khoản và chính sách của ứng dụng để hiểu rõ cách thức thu thập và sử dụng dữ liệu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 + 15 =