Thị trường viễn thông Việt Nam vừa có thêm một sự cạnh tranh. Nhà mạng mới mang đầu số 889.
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông trong năm qua ước đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 3,49% so với năm 2023.
Năm 2024, Viettel tiếp tục giữ vị thế là nhà mạng lớn nhất với 56,6% thị phần di động. Tính đến cuối năm 2024, doanh thu hợp nhất của Viettel ước tính đạt 189.900 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 50.400 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 44.300 tỷ đồng.

Viettel là nhà mạng di động lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2024 (Ảnh: Viettel).
Vị trí thứ hai là VNPT với doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt hơn 58.500 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt gần 42.000 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) giao.
MobiFone đứng ở vị trí thứ ba với doanh thu công ty mẹ năm 2024 ước đạt gần 23.500 tỷ đồng, tương ứng 90,3% so với kế hoạch năm 2024, thiếu khoảng 2.500 tỷ đồng mới đạt kế hoạch đề ra năm 2024. Mức doanh thu này chỉ đạt 90,1% cùng kỳ năm 2023.
Xét riêng 3 ông lớn Viettel, VNPT và MobiFone đã chiếm hơn 90% thị phần mảng viễn thông di động tại Việt Nam. Lượng thị phần còn lại thuộc về Vietnamobile, Gmobile và các nhà mạng ảo.
Những năm gần đây, Việt Nam đã bùng nổ mô hình mạng di động ảo (MVNO). Mạng này cho phép nhà khai thác tiết kiệm tài nguyên nhờ tận dụng hạ tầng từ đối tác để triển khai dịch vụ.
Trong một cuộc họp diễn ra vào tháng 8/2024, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết khái niệm mạng di động ảo và nhà mạng ảo đã không còn mới ở Việt Nam.
“Các nhà mạng ảo ở Việt Nam có nhiều lợi thế như không sở hữu hạ tầng, không cần tham gia xin cấp phép tần số. Bên cạnh đó, quy định về việc cung cấp dịch vụ đối với các nhà mạng ảo tương đối dễ dàng, khi chỉ cần ký hợp đồng mua SIM của các nhà mạng lớn là đã có thể kinh doanh.
Thế nhưng, mô hình này trên thực tế chỉ có dịch vụ cung cấp dừng lại ở mức độ khiêm tốn, chưa tạo được thế mạnh riêng và chiếm một lượng người dùng rất nhỏ”, ông Nhã cho biết.

Tính đến nay, đã có 7 mạng di động ảo được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động trên toàn quốc (Ảnh: CNet).
Theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến tháng 4/2023, chỉ có khoảng 2,65 triệu thuê bao thuộc về các MVNO tại Việt Nam, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Con số này là rất khiêm tốn nếu nhìn ra quy mô thị trường mạng ảo trên thế giới.
Cụ thể, theo số liệu của Global Market Insights, tổng doanh thu của thị trường viễn thông ảo trên toàn thế giới đang ở mức 65 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng lên đến 9%/năm.
Ở Mỹ, hiện có 32 nhà mạng ảo với hơn 50 triệu thuê bao. Ở Trung Quốc có 62 mạng và 75 triệu thuê bao. Ở Đức có 132 nhà mạng cung cấp dịch vụ. Ở Anh, các mạng di động ảo chiếm 20% thị trường trong nước.
Ông Nhã cho rằng để thúc đẩy phát triển, nhà mạng ảo nên hướng đến thị trường ngách mà nhà mạng lớn không thể chạm đến, để tìm một dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng.
Đây được xem là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, và sẽ góp phần thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, tạo thêm nhiều dịch vụ viễn thông trên nền Internet băng rộng.
Nhìn chung, thị trường viễn thông đã bão hòa, nhưng các nhà mạng ảo vẫn được đánh giá còn dư địa để phát triển khách hàng mới.