Gỡ ngay 15 ứng dụng tống tiền, đánh cắp thông tin cá nhân

Các chuyên gia của hãng nghiên cứu bảo mật McAfee đã tìm thấy 15 ứng dụng độc hại giả mạo các ứng dụng cho vay tiền với lãi suất thấp.

Các ứng dụng này được chia sẻ trực tiếp trên kho ứng dụng Google Play dành cho nền tảng Android, nhưng các chuyên gia bảo mật cho biết thực tế chúng là các ứng dụng độc hại với mục đích lấy cắp dữ liệu cá nhân và thậm chí tống tiền người dùng.

Các ứng dụng này sẽ yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, giấy tờ tùy thân, ảnh chụp chân dung… để được vay tiền. Trên thực tế, các ứng dụng chỉ nhằm mục đích thu thập thông tin và không cung cấp bất kỳ khoản vay nào.

Một số ứng dụng vẫn sẽ cho người dùng vay tiền, nhưng với mức phí và lãi suất cao hơn nhiều so với những gì đã cam kết.

Gỡ ngay 15 ứng dụng tống tiền, đánh cắp thông tin cá nhân - 1

Các ứng dụng cho vay tiền giả mạo, được lập ra với mục đích lấy cắp thông tin cá nhân và tống tiền người dùng (Ảnh: McAfee).

Những ứng dụng này sẽ giả mạo giao diện ứng dụng của các tổ chức tài chính hợp pháp và sử dụng chiến thuật đếm ngược thời gian để cung cấp gói vay tiền ưu đãi. Điều này sẽ khiến người dùng cảm thấy cấp bách, không muốn bỏ lỡ cơ hội và nhanh chóng cung cấp thông tin cá nhân để được vay tiền với lãi suất ưu đãi.

Các ứng dụng cũng đòi hỏi rất nhiều quyền hạn vượt mức khi cài đặt trên smartphone, như cho phép đọc tin nhắn gửi đến, theo dõi lịch sử cuộc gọi hay thậm chí đòi quyền sử dụng camera trên thiết bị.

Những quyền hạn này sẽ cho phép tin tặc tiếp tục thu thập các thông tin trên smartphone của người dùng, từ đó sử dụng các thông tin này để tống tiền hoặc lừa đảo.

Các chuyên gia bảo mật cho biết những kẻ lừa đảo đứng sau các ứng dụng này sẽ dựa vào hình ảnh gương mặt của các nạn nhân để chỉnh sửa và ghép vào nội dung khiêu dâm nhằm mục đích đe dọa hoặc tống tiền. Những kẻ lừa đảo thậm chí còn đe dọa sát hại nạn nhân nếu họ không chịu đóng lãi cho các khoản tiền đã vay thông qua ứng dụng.

Chuyên gia của McAfee cho biết các ứng dụng lừa đảo này nhắm đến người dùng tại khu vực Nam Mỹ, Đông Nam Á và Châu Phi. Ước tính đã có 8 triệu smartphone cài đặt các ứng dụng lừa đảo này.

Trong số 10 quốc gia có lượng người đã cài đặt các ứng dụng độc hại này nhiều nhất, Ấn Độ, Mexico và Philippines là 3 quốc gia đứng đầu, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8.

McAfee đã thông báo đến Google về những ứng dụng độc hại và lừa đảo này. Dưới đây là danh sách 15 ứng dụng được McAfee liệt kê.

Gỡ ngay 15 ứng dụng tống tiền, đánh cắp thông tin cá nhân - 2

Có thể thấy, trong số các ứng dụng này có “Cash Loan – Vay Tiền” là ứng dụng nhắm đến người dùng tại Việt Nam. Hiện ứng dụng đã có hơn 100 ngàn lượt cài đặt lên các thiết bị. Nếu bạn đã cài đặt ứng dụng này, hãy lập tức gỡ bỏ nó.

Các chuyên gia bảo mật của McAfee cho biết sở dĩ Android trở thành mục tiêu bị nhắm đến của tin tặc nhiều hơn so với iOS vì Android là nền tảng mã nguồn mở và có sự phân mảnh nhiều hơn (do có nhiều hãng sản xuất với nhiều phân khúc sản phẩm) so với iOS, do vậy tin tặc sẽ có nhiều sự lựa chọn và nhiều hình thức khác nhau để tấn công người dùng Android.

Một điều cần lưu ý, mặc dù Google có chế độ kiểm tra mức độ “sạch” của các ứng dụng được chia sẻ lên kho ứng dụng Google Play, tuy nhiên, đôi khi vẫn có những ứng dụng độc hại qua mặt được máy quét của Google, khiến người dùng bị lừa và cài đặt lên thiết bị.

Gỡ ngay 15 ứng dụng tống tiền, đánh cắp thông tin cá nhân - 3

Ứng dụng “Cash Loan-Vay tiền” với những đánh giá giả mạo có nội dung tương tự nhau (Ảnh chụp màn hình).

Do vậy, trước khi cài đặt một ứng dụng nào từ Google Play, người dùng cần phải đọc kỹ phần bình luận và đánh giá về ứng dụng.

Nếu nhận thấy nội dung đánh giá có phần không thực tế, nhiều bình luận đánh giá giống nhau hoặc không liên quan đến ứng dụng… thì nhiều khả năng đó là những đánh giá ảo để lừa người dùng và bạn không nên cài đặt những ứng dụng có các đánh giá ảo như vậy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

11 + 7 =